You are using an outdated browser. For a faster, safer browsing experience, upgrade for free today.
Đúng như tên gọi, gia vị tây vốn phổ biến tại các nước phương Tây, ở Việt Nam thường ít được sử dụng. Tuy nhiên nếu hiểu rõ công dụng và biết cách phối hợp nhuần nhuyễn, gia vị tây cũng có thể giúp một số món ăn Việt thêm tinh tế và thơm ngon hơn.

Cùng điểm qua một số loại gia vị tây phổ biến, có thể sử dụng trong các món nướng, hầm, salad, mì… nhé.

  Xô thơm (Sage)

Cây xô thơm có tên khoa học Salvia officinalis, xuất xứ từ vùng Địa Trung Hải. Xô thơm là cây xanh lâu năm, hoa màu tím, hương thơm nồng nàn, lá xô thơm là loại gia vị tây được nhiều nước ưa chuộng. Lá xô thơm được hái vào mùa hè.

Sở dĩ lá xô thơm được sử dụng trong ẩm thực, là một loại gia vị tây phổ biến vì mùi hương nồng ấm và vị cay nhẹ, lẫn chút đắng nơi đầu lưỡi giúp món ăn dậy vì và thơm ngon hơn, tinh tế và độc đáo hơn. Ngoài ra, lá cây xô thơm còn được sử dụng như một loại nước súc miệng, sát khuẩn, chữa đau họng. Hít tinh dầu của cây xô thơm giúp điều trị bệnh viêm đường hô hấp.

Xô thơm cực kỳ thích hợp đối với các món nướng như gà, vịt nướng, xúc xích, heo nướng… Thêm lá xô thơm vào khi ướp sẽ làm các món nướng dậy mùi thơm phức, kích thích vị giác, làm món ăn ngon hơn. Bật mí cho bạn là món cà tím nướng mà có thêm xô thơm thì sẽ tuyệt vời lắm đấy.

 Hương thảo (Rosemary)
 

Hương thảo là loại cây nhỏ, có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải. Tên gọi của loại cây này có nghĩa là sương mai của biển. Lá hương thảo là loại gia vị tây rất được ưa chuộng ở châu Âu và nhiều nơi trên thế giới.

Hương thảo có vị chát, hương thơm nồng, tính ấm nóng, hợp để làm gia vị cho nhiều món ăn, đặc biệt là các món thịt gia cầm. Thịt bò, thịt gà sẽ ngon hơn, tinh tế hơn nếu ướp với lá hương thảo. Khi nấu vịt, nếu sợ mùi hôi hãy ướp với lá hương thảo kèm bạc hà. Hương thảo cũng có thể dùng để làm nướng sốt chấm thịt hay hải sản theo công thức: trộn lá hương thảo với rượu vang đỏ và táo xay.

Ngoài làm gia vị, hương thảo còn có nhiều công dụng đối với sức khỏe con người. Lá hương thảo giúp chống oxy hóa, cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh, lợi mật, lợi tiểu, nhuận trường, kích thích tuần hoàn máu lên não, giúp tăng cường trí nhớ và sự tập trung, giúp chống rụng tóc. 

  Tỏi tây (Leeks)

So với các loại gia vị tây khác, tỏi tây có phần phổ biến hơn tại Việt Nam, với tên gọi hành boaro. Phần thân xanh của tỏi tây rất giàu carotene, vitamin C và E, đây là bộ ba vi chất giúp tăng sức đề kháng, ngăn ngừa cảm cúm.

Trong tỏi tây chứa nhiều chất xơ, khiến người ăn không còn cảm giác đói. Do vậy, các món rau với tỏi tây như salad tỏi tây hay tỏi tây xào không là lựa chọn tuyệt vời cho người ăn kiêng. Tỏi tây có mùi thơm nhẹ, ít hăng hơn so với hành nên thích hợp trong các món chay. Tỏi tây dùng để chiên trứng rất ngon miệng và đẹp mắt. Tỏi tây cũng phù hợp để nấu các món bò, gà và đặc biệt là nấu soup.

Sự phối hợp giữa tỏi tây với những thực phẩm sau sẽ đem lại nhiều lợi ích:

- Tỏi tây và cần tây:  Cung cấp nguồn vitamin dồi dào, tốt cho tiêu hóa và đường ruột.

- Tỏi tây và tỏi thường: Đây đều là những thực phẩm nghèo muối và giàu kali, tạo thành thành phần kháng sinh tự nhiên, giúp giảm huyết áp.

- Tỏi tây và cá giàu omega-3: Vitamin E từ tỏi tây kết hợp với các loại cá béo như cá thu, cá hồi, cá basa... sẽ làm tăng tác dụng của omega-3 có lợi trong cá.

 Oải hương (Lavender)
 

Nhắc đến oải hương, người ta thường nghĩ ngay đến loại hoa có sắc tím dịu dàng và mùi thơm nồng nàn. Tuy nhiên, loài hoa này cũng là một loại gia vị tây rất hữu dụng

Vào thế kỉ thứ XVI và XVII, hoa oải hương được sử dụng rộng rãi không chỉ vì mùi hương mà còn vì những công dụng của nó trong ẩm thực. Nữ hoàng Elizabeth I đã rất thích ăn thịt ướp với oải hương, và mứt oải hương cũng là một trong những món khoái khẩu của bà. Mỗi khi bị cơn đau nửa đầu hành hạ, bà sẽ uống trà oải hương như là một cách chữa bệnh không cần thuốc.

Ở các nước phương tây, người ta thường dùng xạ hương như một loại sau sống, trộn chung với nhiều loại rau khác khi làm món rau trộn ướp gia vị. Oải hương là thức ăn đặc biệt đi kèm với thịt cừu, giúp món thịt cừu thơm và ngon miệng hơn.

Một mẹo nhỏ cho các bạn yêu thích làm bánh là hãy bỏ một ít nụ oải hương vào hũ đường, đóng kín hũ và để trong vài tuần. Sử dụng đường này để làm bánh hay món tráng miệng sẽ giúp món bánh trở nên thơm ngon và đặc biệt.

Đối với gia vị tây, các bạn có thể sử dụng ở dạng tươi và khô đều đượm vị.

Lưu ý: lá tươi thường cho vào khi thức ăn gần chín hoặc vừa chín, còn lá khô thì cho vào ngay từ đầu hoặc trong quá trình tẩm ướp.